Thị trường ô tô Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào từ ngày 1/1/2018 ?
Nhiều quy định, chính sách mới sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1 tới đây. Đây cũng là thời điểm mà nhiều người tiêu dùng trông chờ với hy vọng mua được ô tô “giá rẻ”.
2018 là một năm có nhiều thay đổi bởi các chính sách và Nghị định mới có hiệu lực. Người tiêu dùng kỳ vọng giá ô tô sẽ giảm sâu để có cơ hội tiếp cận. Trong khi đó, các nhân viên bán hàng lại dùng chiêu tâm lý rằng giá sẽ tăng chứ không giảm để thúc đẩy doanh số cuối năm. Vậy thực hư các chính sách như thế nào?
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô động cơ nhỏ
Theo lộ trình thay đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), kể từ năm 2018, những ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, dung tích xy-lanh dưới 2 lít sẽ được tiếp tục giảm thuế. Cụ thể, xe có động cơ dưới 1,5 lít giảm thuế TTĐB từ 40% còn 35%, trong khi với động cơ từ 1,5-2 lít sẽ giảm từ 45% xuống 40%.
Xe có động cơ dung tích xy-lanh dưới 2 lít sẽ được giảm thuế TTĐB.
Các mẫu xe có dung tích xy-lanh từ 2,5-3 lít sẽ bị tăng thuế từ 55% lên 60%. Còn lại, mức thuế vẫn giữ nguyên như năm 2017. Đối với động cơ từ 3 lít đến trên 6 lít, thuế TTĐB sẽ từ 90% đến 150%.
Đón đầu mức thuế mới, nhiều đơn vị lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước như Toyota và Trường Hải đã công bố giá xe 2018 từ tháng 11, 12. Những mẫu xe dung tích xy-lanh dưới 2 lít đều giảm giá nhẹ.
Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nội khối ASEAN về 0%
Theo cam kết AFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN sẽ về 0% kể từ ngày 1/1/2018 đối với những sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hoá từ 40% trở lên.
Nhiều người trông chờ giá xe tại Việt Nam sẽ ngang hoặc không chênh quá nhiều với các nước khác như Thái Lan hay Malaysia. Các doanh nghiệp cũng chuyển đổi từ xe lắp ráp sang nhập khẩu để hưởng lợi thuế.
Minh chứng là, tại Triển lãm ô tô Việt Nam tổ chức vào tháng 8/2017, hàng loạt các nhà sản xuất xe trong nước đưa về các mẫu xe mới ở phân khúc phổ thông, nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia. Thời điểm bán và giá xe được lên kế hoạch công bố từ sau ngày 1/1/2018.
Ô tô nhập khẩu mới bị chặn đường về
Khi người tiêu dùng và các hãng xe chưa kịp hưởng mức thuế nhập khẩu 0% thì Nghị định 116 ban hành ngày 17/10 như một rào cản chặn đứng tia hy vọng. Thủ tục, giấy tờ và quy trình kiểm định gây khó cho việc nhập xe về nước.
Theo đó, các hãng xe và doanh nghiệp nhập khẩu phải đảm bảo loại giấy tờ chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài cũng cấp. Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng cung cấp loại giấy này.
Khi đã nhập được xe về, những lô xe nhập khẩu lại gặp phải vướng mắc khác. Cụ thể, với mỗi lô xe, bao gồm những chiếc xe giống nhau, cơ quan chức năng sẽ chọn ra một chiếc để kiểm định, mặc dù chất lượng các xe trong các lô hàng được cho là đều như nhau. Do đó, việc này gây tốn thời gian và nhiều chi phí.
Trước thời điểm "nóng", Chủ tịch VAMA, đồng thời là Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, đã kiến nghị lên Chính phủ hoãn thi hành quy định và bày tỏ về những khó khăn gặp phải với Nghị định 116. Ngược lại, THACO đồng tình với Nghị định để đảm bảo tính công bằng giữa xe lắp ráp và nhập khẩu.
Ô tô nhập khẩu cũ đắt hơn cả xe mới
Sau Nghị định 116, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 125, tác động lớn tới thị trường ô tô cũ nhập khẩu. Mức thuế nhập khẩu xe cũ tăng mạnh khiến giá xe có thể cao hơn cả xe nhập mới.
Đối với ô tô cũ chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xy-lanh không quá 1 lít sẽ bị áp mức thuế tuyệt đối 10.000 USD (trước đây là 5.000 USD). Xe có dung tích xy-lanh từ 1,5 lít đến dưới 2,5 lít sẽ có mức tính thuế hỗn hợp, bao gồm giá tính thuế của ô tô cũ nhân với 150-200%, sau đó cộng thêm 10.000 USD mỗi xe.
Những xe có dung tích xy-lanh 2,5 lít trở lên bị áp thuế cao nhất, là bao gồm tính thuế của ô tô cũ nhân với 150-200%, sau đó cộng thêm 15.000-17.000 USD. Như vậy, giá xe cũ từ năm 2018 có thể tăng thêm hàng trăm triệu đồng.
Thuế nhập khẩu linh kiện về 0%
Trong khi xe nhập khẩu cũ, mới đang chịu sức ép lớn từ các nghị định, xe lắp ráp trong nước lại có thêm cơ hội giảm giá bởi thuế nhập khẩu linh kiện về 0% kể từ ngày 1/1/2018. Thời gian giảm thuế là trong vòng 5 năm.
Lộ trình và sản lượng tối thiểu để được hưởng ưu đãi thuế.
Để nhận được ưu đãi thuế, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng được mức sản lượng tối thiểu trong từng thời kỳ. Trong năm 2018, sản lượng chung tối thiểu của một hãng là 8.000 xe, và đối với một mẫu xe cam kết là 3.000 xe trong giai đoạn 6 tháng.
Trong khi đó, ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện lại là thách thức không nhỏ với ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Các phụ tùng, linh kiện giá rẻ từ các quốc gia khác trong khu vực có thể tạo nên sức cạnh tranh lớn với các mặt hàng trong nước.
Bình luận (0 Bình luận)
Để lại bình luận