Người tiêu dùng Việt Nam có được bảo hộ từ Nghị định 116 ?
Cuối cùng, thông tư được chờ đợi nhất năm về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 (116/2017/NĐ-CP) đã chính thức công bố. Qua đó, việc nhập khẩu các mẫu xe hơi vào thị trường Việt Nam vẫn sẽ "khó khăn".
Một chuyện lạ chưa từng có ở Việt Nam, khi thị trường đang bước vào mùa cao trào cận Tết, nhu cầu mua xe đi chơi Tết của khách hàng đang tăng đột biến thì người tiêu dùng nhanh chóng bị dội một gáo nước lạnh với câu trả lời “cửa miệng” của nhân viên bán hàng rằng " hết xe để bán". Có thể thấy, chưa năm nào thị trường ô tô Việt lại đìu hiu và hết xe để bán trên diện rộng như vậy.
Chuyện dường như bắt đầu từ Hiệp định thương mại tự do của các nước trong ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực này về Việt Nam giảm theo lộ trình từ 40% xuống 30% từ năm 2017 và về 0% vào năm 2018. Điều này nhanh chóng ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của các hãng xe tại Việt Nam. Tiêu biểu như trong năm 2017, Toyota Fortuner, mẫu xe thuộc top bán chạy nhất thị trường đã bắt nhịp và chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp nội địa tại Việt Nam. Thậm chí, Toyota còn úp mở chuyện ngưng hoàn toàn việc sản xuất lắp ráp trong nước để chuyển hẳn qua nhập khẩu xe.
Đây là một áp lực lớn với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng và trực tiếp làm điêu đứng các nhà lắp ráp ô tô trong nước. Nếu mở cửa hoàn toàn đối với xe nhập khẩu, đồng nghĩa việc làn sóng xe nhập trôi nổi tràn ngập khắp thị trường. Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận các dòng xe với giá rẻ hơn nhưng đánh đổi lại là khả năng kiểm soát chất lượng cũng như những hệ quả liên đới nghiêm trọng từ việc “trể nhịp” của hệ thống cơ sở giao thông hạ tầng.
Đúng lúc thách thức đang lớn dần, tháng 9/2017, Thông tư 20 quy định về giấy tờ đối với xe nhập khẩu vừa bị khai tử thì Nghị định 116 lại nhanh chóng ra đời với các quy định về điều kiện nhập khẩu xe ô tô hoàn toàn mới. Mặc dù không phải là nghị định thay thế trực tiếp cho thông tư 20, nhưng Nghị định 116 đã và đang gián tiếp ngăn chặn các loại ô tô nhập kém chất lượng tràn vào Việt Nam, giúp cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước cắt giảm được một phần áp lực cạnh tranh và góp phần kiểm soát mọi thứ không “chệch khỏi đường ray” trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ.
Cụ thể, thông tư 03/2018/TT-BGTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ngày 10/1/2018 quy định phải có giấy “Chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu” được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước xuất khẩu xe và kiểm tra ngẫu nhiên số khung/số máy trên từng lô xe.
Ngoài ra, theo thông tư mới ban hành, Bộ Giao Thông Vận Tải còn yêu cầu đối với các hồ sơ nhập khẩu xe phải bổ sung các giấy tờ chứng nhận chủng loại một số linh kiện như: lốp, gương chiếu hậu, đèn, kính được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Cuối cùng là giấy chứng nhận "Kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất đối với nhà máy đã sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu”.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho các hãng xe nhập khẩu là họ không thể kiếm đâu ra cái giấy gọi là "Chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu" được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền tại nước trực tiếp xuất khẩu xe. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, một số nước trên thế giới, nhà nước không can thiệp vào chất lượng sản phẩm nên không thể có các văn bản chứng nhận như yêu cầu của 116. Liên đới, một số ông lớn của ngành đã bắt đầu đưa ra thông báo chính thức tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam như Honda, Toyota và sau đó lần lượt là Ford, Nissan, Mitsubishi. Những hãng nhập khẩu xe trực tiếp từ các nước châu Âu thì vẫn bình thản và chờ đợi những chuyển biến khác.
Hệ quả là những kỳ vọng của người tiêu dùng về mức giá xe rẻ vào năm 2018 đã bị dập tắt hoàn toàn. Ngược lại, việc không nhập xe về khiến thị trường khan hiếm và vô hình chung đẩy giá bán của nhiều mẫu xe lên cao, đặc biệt là những mẫu xe đang được khách hàng ưa chuộng.
Đơn cử như Fortuner đã không còn xe để giao, đối thủ Ford Everest thì khách hàng có thể đặt cọc từ bây giờ và dự kiến nhận xe vào tận tháng 6/2018. Bên cạnh đó, để được ưu tiên nhận xe Fortuner sớm, khách hàng bị dồn vào thế chân tường khi phải bỏ thêm một số tiền không hề nhỏ từ vài chục cho tới vài trăm mua kèm các gói phụ kiện kiểu như "uống bia thì phải kèm mua lạc".
Toyota Fortuner lần đầu lọt khỏi top xe bán chạy nhất tháng 12/2017
Khi mọi thứ khó khăn và các hãng xe chưa kịp "chuẩn bị" giấy tờ thì chuyển hướng lắp ráp đang là giải pháp tốt nhất tại thời điểm hiện tại. Cụ thể, vừa qua, Mitsubishi Motor Việt Nam (MMV) đã nhanh chóng ra mắt thị trường mẫu xe Outlander 2018 phiên bản CKD với mức giá chỉ 808 triệu, giảm 165 triệu nhưng lại tích hợp thêm nhiều tính năng, công nghệ mới và vẫn đảm bảo những tiêu chí chất lượng nghiêm ngặt tương đương xe nhập khẩu.
Qua tìm hiểu của CafeAuto, với việc nhập hoàn toàn các linh kiện từ Nhật bản và chỉ thực hiện công đoạn "ráp vào" tại Việt Nam. Các khâu "hàn" và "sơn" các chi tiết để khẳng định đạt yêu cầu phải qua 2 vòng kiểm tra. Trước tiên, 5 mẫu xe được chọn để rã tan và kiểm tra từng chi tiết hàn điện, hàn đường gân và bề mặt sơn bơi các chuyên gia từ Nhật bản. Sau đó, 5 mẫu xe khác sẽ được chuyển thẳng qua Nhật Bản để qua các khâu kiểm tra khắt khe hơn về tính năng an toàn và kỹ thuật. Hãng xe Nhật khẳng định, mọi thông số kỹ thuật và chất lượng đều tương đương với Outlander nhập khẩu từ Nhật về. Không dừng lại ở đó, MMV cũng đã úp mở về việc chuyển hẳn Attrage từ nhập khẩu sang lắp ráp nếu có doanh số tốt.
Mitsubishi nhanh chóng trở mình chuyển qua lắp ráp xe thay vì nhập khẩu
Trong khi đó, các hãng xe đang chiếm thị phần mãng xe lắp ráp trong nước như Thaco, Hyundai thì không ngừng mở rộng hệ thống quy mô sản xuất để tận dụng ưu đãi từ Chính phủ. Thaco đang hoàn tất nhà máy lắp ráp Mazda mới với công suất gấp 10 lần nhà máy hiện tại, bên cạnh việc mở rộng nhà máy lắp ráp Kia. Hyundai Thành Công cũng mở rộng thêm nhà máy tại Ninh Bình khi hàng loạt mẫu xe bán chạy như I10, Tucson, Elantra cũng đều chuyển qua lắp ráp.
Có thể, chưa chắc chắn được nhiều điều, nhưng những thay đổi này sẽ mang tính bước ngoặt cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Việc bảo hộ và ưu tiên lắp ráp trong nước sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, đào thải những doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp nội địa quy mô nhỏ lẻ. Một dấu hiệu khởi sắc khác cho người tiêu dùng, vì tuy là xe lắp ráp nhưng người mua xe vẫn sử dụng những sản phẩm chất lượng tương đương xe nhập cùng một mức giá bán rẻ hơn nhiều. Khi hàng loạt các hãng xe bắt buộc phải đầu tư bài bản và dài hơi hơn vào ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam nếu không muốn đứng nhìn thị phần đang mất dần vào tay những đơn vị khác.
Bình luận (0 Bình luận)
Để lại bình luận