Danh mục tin tức

NGHỊ ĐỊNH 116 VÀ “CUỘC CHIẾN” DOANH NGHIỆP ÔTÔ NỘI - NGOẠI

NGHỊ ĐỊNH 116 VÀ “CUỘC CHIẾN” DOANH NGHIỆP ÔTÔ NỘI - NGOẠI

Giữa các doanh nghiệp nội - ngoại nhìn nhận khác nhau về Nghị định 116 và Thông tư 03.

Cũng vì những quy định bất hợp lý của nghị định nên hệ quả là đến nay, hầu như không có chiếc xe ôtô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ 1/1/2018 đến nay".

Phát biểu trên được Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đồng thời là Tổng giám Toyota Việt Nam (TMV) Toru Kinoshita đưa ra tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp ôtô do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 26/2 với mục đích làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ trì cuộc đối thoại sáng 26/2.

"Thế giới không ai làm thế"

Thế nhưng, cũng tại cuộc đối thoại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ôtô Trường Hải Trần Bá Dương lại cho rằng, Nghị định 116 đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ôtô. Do đó, không nên hoãn việc thực thi Nghị định, bởi như thế sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đang nỗ lực, cố gắng để đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định.

Tại cuộc họp, Chủ tịch VAMA - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Toru Kinoshita bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của VAMA về một số quy định hành chính trong Nghị định 116 và cho rằng nghị định này không tuân thủ thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế và gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA.

Theo ông, một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp bởi những quy định này dẫn đến làm gián đoạn, thậm chí dẫn đến dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ôtô từ nước ngoài. Đồng thời sẽ làm thu hẹp việc mở rộng thị trường ôtô và với một số phân khúc ôtô cỡ nhỏ thì việc sản xuất trong nước hoàn toàn không khả thi.

"Nghị định 116 làm tăng thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ôtô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng. Nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ôtô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ôtô", ông Toru Kinoshita cho hay.

Đại diện thương hiệu xe Toyota và Lexus, ông Lâm Chí Quang thì cho rằng phía Nhật Bản không cấp giấy này vì thế giới họ không làm thế.

Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng cho biết nhà sản xuất này chiếm thị phần đứng thứ 2 (10,5%) trong cơ cấu của VAMA. Theo ông Dũng, từ khi ban hành đến khi có hiệu lực, Nghị định 116 chỉ có hơn 2 tháng, trong khi trung bình chính sách triển khai thường 18-24 tháng. Với quy trình nhập khẩu 1 sản phẩm phải đặt hàng với nước ngoài thì thường ít nhất 4 tháng.

"Hiện chúng tôi đang vướng một dòng xe nhập từ Mỹ về Việt Nam có gần 100 xe đặt hàng từ tháng 6, không huỷ được mà giờ không dám nhập về Việt Nam. Vì thời gian đi trên biển từ 60 - 70 ngày, hiện số xe này đang nằm ở một cảng của Mỹ, phải chi hơn 1.000 USD/ngày cho tiền kho bãi tại đây và chất lượng xe ngày càng giảm. Đề nghị Chính phủ cho Ford Việt Nam nhập lô xe này về theo quy định trước Nghị định 116, không phải thử nghiệm theo lô, tránh giảm thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Dũng đề xuất.

Lãnh đạo Ford Việt Nam cũng cho rằng, yêu cầu này không phù hợp thông lệ quốc tế vì thông thường cái này được thực hiện tại nước nhập khẩu dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật từng nước tuỳ theo yêu cầu của nước đó nên nước đó phải đứng ra đánh giá, cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của mình, các nước xuất khẩu không cấp giấy chứng nhận này cho xe xuất khẩu.

"Nội thế nào ngoại cũng phải theo"

Phản hồi lại các ý kiến trên, Chủ tịch Công ty Trường Hải Trần Bá Dương khẳng định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là rất cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Ông Dương cũng cho rằng giấy chứng nhận này không nhất thiết phải do cơ quan nhà nước các nước cấp, mà có thể do các tổ chức có thẩm quyền khác, chẳng hạn xe của Đức có thể xin các giấy chứng nhận từ các tổ chức ở quốc gia khác.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cũng đồng tình với Trường Hải và nhấn mạnh rằng nếu ôtô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.

"Nghị định 116 đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ôtô. "Tôi nghĩ không nên hoãn việc thực thi Nghị định, bởi như thế sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đang nỗ lực, cố gắng để đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định", ông Dương nói.

Có mặt tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

"Chúng tôi hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị, không bao giờ có ý tưởng tạo rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể có những khó khăn, vướng mắc, các bên phải ngồi lại với nhau để hoàn thiện hành lang pháp lý", Thứ trưởng Thọ nói và cho biết các vướng mắc cụ thể cũng sẽ được giải quyết, ví dụ với các lô hàng được ký hợp đồng trước khi Nghị định có hiệu lực sẽ được xem xét, xử lý phù hợp.

Sẽ phải chờ ý kiến Thủ tướng

Kết luận buổi đối thoại, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Nghị định 116 được xây dựng công phu, trước khi ban hành đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, các đối tượng tác động. Chủ trương là tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để sản xuất ôtô chất lượng.

Cùng với đó, Chính phủ cũng tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các rào cản, thủ tục bất hợp lý; đồng thời quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Theo Bộ trưởng, các vấn đề đã được nêu ra tại hội nghị rất rõ, trong đó nhiều vấn đề cần nghiêm túc xem xét thấu đáo.

"Ngay cả Thông tư 03, tại sao lại đưa ra những điều kiện như bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, rồi bổ sung yêu cầu về "hóa đơn thương mại" có ý nghĩa gì?", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề và nhấn mạnh yêu cầu phải tạo sự bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ôtô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế. Không đặt rào cản hành chính để tạo chi phí, ví dụ việc thử nghiệm từng lô xe mất tới 2 tháng và chi phí 10.000 USD thì các cơ quan phải nghiêm túc xem xét.

"Hôm nay, chúng tôi không kết luận tại đây mà sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề. Chúng tôi đã nghe cả hai chiều, xin ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến. Đây là hội nghị rất quan trọng để làm rõ hơn về Nghị định 116, các yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội để chúng tôi báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng các giải pháp cụ thể", Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Đức Thọ (VnEconomy.vn)

Bình luận (0 Bình luận)

Để lại bình luận