Nghị định 116/2017/NĐ-CP ảnh hưởng tới thị trường ôtô Việt Nam 2018 như thế nào ?
Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018 được coi như "rào cản" mới được lập nên trước nguy cơ xe nhập khẩu từ khối ASEAN hưởng thuế 0% rục rịch về nước.
Nghị định 116 sẽ gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên chiếc
Ngày 17/10/2017 chính phủ bất ngờ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Ngay lập tức, giới kinh doanh ôtô đã đón nhận nội dung Nghị định với tâm lý lo lắng bởi sẽ có thêm những khó khăn cho việc nhập khẩu ôtô về Việt Nam.
Xe nhập khẩu thêm rào cản :
- Trong số 54 trang nội dung của Nghị định 116, giới kinh doanh tập trung và 3 vấn đề then chốt làm nên "tinh thần" của quy định kinh doanh ôtô trong năm 2018. Theo đó, về Trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng và Trách nhiệm triệu hồi và thu hồi xe ôtô thải bỏ gần như không làm khó các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng, mà chỉ triệt tiêu phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xe đã qua sử dụng (xe lướt) do giấy phép đã được thít chặt với những quy định sàng lọc cụ thể.
- Tuy nhiên, then chốt của Nghị định 116 khiến giới kinh doanh ôtô nhập khẩu lo lắng nằm ở Điều 6 (Trách nhiệm đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường). Trong đó lọc ra 2 điểm gồm:
+ Phải cung cấp cho các cơ quan quản lý chất lượng các loại giấy tờ sau: Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe ô tô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở nước ngoài; Tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô đó…
+ Kiểm tra theo quy định với từng lô xe về cảng (kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật).
- Những mẫu xe sang, xe thể thao bị ảnh hưởng khá nặng khi doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc lựa chọn số lượng nhập khẩu theo lô vì quy định mới kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật
- Để cung cấp cho các cơ quan quản lý số giấy tờ theo yêu cầu mới, doanh nghiệp sẽ chỉ có hơn 2 tháng (kể từ ngày công bố Nghị định) để chuẩn bị, trong đó khó khăn phát sinh từ những giấy tờ có phần khắt khe như giấy Chứng nhận xuất xưởng bởi vốn dĩ giấy này chỉ cấp cho xe bán nội địa. Hoặc nhiều cơ quan thẩm quyền của nước sở tại không cấp loại giấy tờ này.
- Đáng ngại nhất đó là yêu cầu khắt khe đến từ việc phải kiểm định theo từng lô xe nhập khẩu chưa qua sử dụng. Không giống như trước đây khi một dòng xe (kiểu loại) khi nhập khẩu về bán tại Việt Nam thì chỉ cần kiểm định 1 chiếc đầu tiên. Điều này dẫn đến doanh nghiệp phải tính toán lại đơn hàng để tiết kiệm chi phí. Riêng việc chờ đợi kiểm định, chạy kiểm tra khí thải 3.000 km, thời gian chờ đợi có thể lên tới 2 tháng, ảnh hưởng tới việc giao xe cho khách hàng.
- Ngay sau khi Nghị định 116 được ban hành, nó đã tác động gần như lập tức tới thị trường xe trong nước. Nhiều đại lý Toyota đã phải đàm phán lại với khách đặt các mẫu xe mới như Fortuner máy dầu số tự động, Wigo do không thể đảm bảo trước thời gian chính xác xe sẽ được thông quan. Nhiều hãng xe khác như Ford, Chevrolet, Mitsubishi có nguồn xe nhập từ Thái Lan cũng bị ảnh hưởng vì phải bổ sung thêm nhiều giấy tờ mới.
Xe lắp ráp trong nước được "bảo hộ"
- Một số chuyên gia cho rằng Nghị định 116 là bước đi cần thiết như một biện pháp bảo hộ xe lắp ráp trong nước trước nguy cơ cạnh tranh về giá của xe nhập khẩu có thuế 0% từ khối ASEAN. Xe lắp ráp trong nước sẽ chủ động được thời gian ra mắt sản phẩm, kế hoạch sản xuất do đó đủ cơ sở để giảm giá. Trong khi xe nhập khẩu do những vướng mắc mới phát sinh sẽ không thể chủ động được dự đoán tài chính.
Bình luận (0 Bình luận)
Để lại bình luận