“Chính sách bảo hộ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phải chăng đang quá mạnh tay”
Năm 2018, nhu cầu về xe hơi tại thị trường Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng, trong khi ô tô nhập khẩu từ ASEAN vẫn đang khó để đưa tới khách hàng thì các nhà lắp ráp trong nước lại chưa kịp sản xuất mẫu xe mới.
Được dự đoán tăng trưởng so với năm 2016 nhưng thị trường ô tô trong nước lại giảm 10%. Mức giảm này được cho rằng đến từ tâm lý chờ xe giá rẻ của người dùng trong năm 2018.
Thực tế lúc này, xe nhập khẩu từ các nước ASEAN với thuế 0% vẫn còn đang đứng trước những cánh cửa quá hẹp.
Trong khi đó để có thể đưa vào lắp ráp một mẫu xe tại Việt Nam, các nhà sản xuất phải chuẩn bị kế hoạch sản xuất trong thời gian khoảng 1 năm.
Người dùng lúc này lại đang mong muốn các nhà sản xuất có thêm nhiều mẫu xe mới đẹp hơn, nhiều tiện ích hơn và mức giá rẻ hơn.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam chia sẻ với BizLIVE về thị trường ô tô trong năm 2018 cũng như xu hướng trong tương lai.
Ông có nhận định như thế nào về số lượng mẫu xe mới, sản lượng xe, cả về nhập khẩu và lắp ráp trong năm qua?
Về xe nhập khẩu trong năm qua, số lượng các mẫu xe mới được giới thiệu đã nhiều hơn do xu hướng thuế nhập khẩu đang giảm. Nhiều mẫu xe trước đây chỉ có thể sản xuất thì nay việc nhập khẩu giúp thị trường có thêm nhiều lựa chọn.
Hoạt động sản xuất xe trong nước thì về số lượng mẫu xe mới có thể giảm nhưng sản lượng lắp ráp đang tăng lên.
Việc điều chỉnh giữa việc lựa chọn mẫu xe nào nên lắp ráp, mẫu xe nào nên nhập khẩu của từng hãng xe phụ thuộc vào thị trường, những mẫu xe có số lượng bán ít thì một số hãng đang dần chuyển sang nhập khẩu.
Việc có thêm nhiều xe nhập khẩu sẽ tác động đến giá xe lắp ráp trong nước theo xu hướng giảm. Thế nhưng Nghị định 116 đang tạo ra một cánh cửa rất hẹp cho xe nhập khẩu. Vậy cụ thể nghị định này gây ảnh hưởng thế nào tới các nhà sản xuất và cả thị trường?
Theo nghị định 116, để đưa một mẫu xe về Việt Nam, đầu tiên các hãng phải có giấy phép nhập khẩu, có giấy uỷ quyền, có giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nước ngoài. Sau đó mới cho phép thử nghiệm ở Việt Nam.
Một nhà nhập khẩu nếu đủ giấy tờ sẽ mất khoảng 2 tháng. Còn không đủ có thể sẽ phải tái xuất.
Ngoài ra nghị định này đang tác động đến giá xe do sự cạnh tranh đang không hoàn hảo, giá xe tăng cao hơn.
Nếu không kịp nhập khẩu thì lắp ráp trong nước thì có đáp ứng được nhu cầu không?
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam
Thời gian cần chuẩn bị để thực hiện lắp ráp thường mất khoảng 1 năm. Như vậy để thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước, những quy định về nhập khẩu xe cần ban hành sớm hơn để các doanh nghiệp lắp ráp có thể chuẩn bị.
Một vấn đề khác là sản lượng, hiện nay nếu lắp ráp 50.000 đã khó rồi thì những nhà sản xuất nhỏ chỉ lắp 10.000 xe còn khó hơn.
Với một nhà sản xuất muốn giữ chất lượng cho 10.000 đảm bảo như 1 triệu xe thì chi phí cao hơn gấp rất nhiều lần.
Chi phí này nằm ở khấu hao thiết bị, chi phí đầu tư máy móc, khuân, trong khi đời xe lại ngắn. Bên cạnh đó một số dòng xe không được lắp ráp tại Việt Nam.
Nhiều khách hàng trong nước vẫn hay so sánh xe nhập khẩu thường bền hơn xe trong nước hay tôn dày hơn hoặc đời mới ở Việt Nam chỉ tương đương mẫu xe cách đây vài năm ở thị trường quốc tế. Khác biệt này là do đâu?
Những người dùng Việt Nam thường bảo xe nhập có tôn dày hơn, bền hơn xe lắp ráp đó chỉ là cảm nhận. Không ai dùng 2 loại thép khác nhau cho cùng 1 chi tiết vì cần dùng cùng 1 bộ tiêu chuẩn với cùng một khuôn.
Ở nước ngoài họ sản xuất chi tiết thì một phần sản xuất họ giữ lại lắp vào xe của họ, phần khác chuyển tới các nhà lắp ráp CKD.
Khác biệt nằm ở tuỳ chọn bên trong chứ không phải tiêu chuẩn chất lượng.
Nếu nói xe nhập khẩu ít ồn hơn xe lắp ráp thì khác biệt này nằm ở việc có lớp cách âm hay không. Còn lại các vật liệu sẽ phải giống hệt nhau.
Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao đời xe 2017 ở Việt Nam chỉ tương đương với đời 2013 hay thấp hơn ở nước ngoài.
Đó là cho chính sách của từng nhà sản xuất nhưng điều này đến từ việc các nhà sản xuất phải kéo dài đời xe lâu hơn để khấu hao thiết bị của mình.
Vậy cách tối ưu cho việc sản xuất xe trong nước và nhập khẩu sẽ như thế nào?
Trước đây một số mẫu xe trên thị trường phải nhập khẩu nhưng hiện nay các nhà sản xuất trong nước đã lắp ráp CKD. Đó là vì việc sản xuất trong nước mang lại hiệu quả hơn.
Chính phủ hiện nay muốn hạn chế nhập khẩu để phát triển sản xuất, tuy nhiên nên hạn chế ở một mức nhất định để mọi thứ hài hoà.
Chính sách hiện nay đang tạo ra một cánh cửa quá hẹp cho xe nhập khẩu.
Tất nhiên không thể để mặc sản xuất trong nước phải cạnh tranh quá nhiều với nhập khẩu, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế. Nhưng biện pháp hiện đang áp dụng là quá mạnh.
Năm 2018, dự đoán thị trường ô tô trong nước sẽ có thay đổi thế nào?
Hiện VAMA đang dự đoán 2018 thị trường sẽ tăng 40%. Con số này là do 2017 giảm 10% vì người tiêu dùng chờ giá xe rẻ đi. Tuy nhiên thực tế con số này có thể thấp hơn do nghị định 116 đang gây ra khan hiếm trên thị trường.
Ngoài ra thị trường Việt Nam đang có xu hướng thiếu xe SUV và crossover, nhu cầu về dòng xe này đang tăng nhưng lại không có xe được nhập về. Ngoài ra xe bán tải hiện nay cũng không sản xuất trong nước mà toàn bộ là nhập khẩu.
Về giá xe thì trong năm 2018 sẽ khó giảm vì nhiều hãng đã giảm từ trước đó, khó có thể tiếp tục giảm thêm. Trừ khi có thay đổi sản phẩm hoặc thay đổi thuế. Do hiện nay sản xuất trong nước vẫn duy trì ở mức cũ còn nhập khẩu thì không có tăng trưởng.
Tuy nhiên một quy luật luôn đúng là thị trường tăng lên về nhu cầu còn giá sẽ đi xuống, ngoài ra sản lượng tăng cũng sẽ làm giá giảm đi. Nhưng vẫn còn ảnh hưởng từ chính sách thuế nên việc mua xe giá rẻ hay đắt hiện vẫn còn khó nói.
Bình luận (0 Bình luận)
Để lại bình luận